Giỏ hàng

Chưa có sản phẩm nào trong giỏ hàng

Trang chủ Giỏ hàng0 Tài khoản Nhắn tin

Các món ăn trong dịp Tết Đoan Ngọ, hoạt động ngày lễ.

Tết Đoan Ngọ sắp đến rồi, một ngày lễ quan trọng diễn ra 5/5 âm lịch ở một số nước Đông Á, trong đó có Việt Nam. Vào ngày Tết Đoan Ngọ, mỗi một vùng miền đều có một mâm cúng khác nhau. Cùng tìm hiểu các món ăn trong dịp lễ này nhé!

Các món ăn trong dịp Tết Đoan Ngọ, hoạt động ngày lễ.

Ý nghĩa Tết Đoan Ngọ

Bên cạnh ý nghĩa tiêu diệt sâu bọ phá hoại mùa màng thì người Việt còn cho rằng Tết Đoan Ngọ là dịp để giải trừ bệnh tật trong thời điểm giao mùa.

Người xưa quan niệm bộ phận tiêu hóa của con người thường có các loại ký sinh gây hại không phải lúc nào cũng diệt được. Duy có ngày mùng 5/5, các loại ký sinh này thường ngoi lên và đây là thời cơ để con người ăn những thức ăn có vị chua, chát để loại bỏ chúng.

Tết Đoan Ngọ ăn gì?

Trái cây

Vào ngày Tết Đoan Ngọ, trái cây không thể nào thiếu trên mâm cúng tổ tiên và bữa tiệc cùng gia đình. Tháng 5 Âm lịch là mùa của những trái vải, mận Hà Nội. Hương vị của trái cây ngọt bùi và chua thanh càng làm cho ngày Tết trở nên đậm đà.

Còn ở miền Nam, trái cây được ưa chuộng để cúng ông bà và ăn bao gồm xoài, chôm chôm, dưa hấu, vải,… vì đây là các loại trái cây đặc sản của vùng này. Khi bày cúng và ăn các loại quả này người dân nơi đây gửi gắm mong ước mùa màng sẽ tươi tốt, mầm bệnh bị tiêu diệt, cây trái sinh sôi nảy nở.

Bánh tro (Bánh ú tro)

Bánh ú tro có nhiều tên gọi khác nhau như bánh ú, bánh gio và bánh âm và tuỳ theo vùng miền sẽ có nhiều biến thể và được gói dưới nhiều hình dạng khác nhau. Bánh được làm bằng gạo đã ngâm trong nước tro được đốt bằng củi các loại cây khô hay rơm và gói trong lá chuối.

Bánh có vị ngọt vừa, mềm dẻo, màu trong đặc trưng, dễ ăn, dễ tiêu, mát ruột. Nếu là bánh tro không nhân thường được ăn với mạch nha hoặc đường mật mía.

Thịt vịt

Vào một vài ngày trước và cả trong dịp mùng 5/5 hàng năm, hầu như các khu chợ ở miền Bắc và miền Trung luôn rộn rã việc mua bán vịt sống vì các gia đình thường làm nhiều món từ vịt.

Người miền Trung quan niệm rằng từ ngày 5/5 trở đi vịt đã bắt đầu vào mùa, trở nên béo, nhiều thịt hơn. Vì vậy vào ngày Tết Đoan Ngọ hầu hết gia đình miền Trung sẽ chọn mua và chế biến các món ngon từ vịt như vịt luộc, vịt quay, vịt tiềm,…

Cơm rượu nếp

Cơm rượu hay cái rượu cũng là đặc sản rất được ưa chuộng để cúng và ăn ở cả 3 miền Bắc Trung Nam vào ngày Tết Đoan Ngọ, người dân tin rằng ăn cơm rượu và uống rượu vào ngày này giúp diệt sâu bọ rất tốt.

Cơm rượu nếp là hỗn hợp được lên men từ nếp đã đồ thành xôi. Công đoạn bắt đầu từ nấu một chõ xôi nguyên hạt rồi rắc một lớp men lên, ủ trong ba ngày. Đặt thúng xôi này trên một chiếc chậu, hứng lấy nước rượu trộn với cái. Sau khi hoàn thành cơm rượu nếp sẽ có vị ngọt thanh, cay đầu lưỡi, chua nhẹ nên dù già hay trẻ đều rất yêu thích món này.

Chè hạt sen, chè đậu đen, chè trôi nước và chè kê

2 món chè không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ là chè hạt sen và chè đậu đen có tác dụng giải nhiệt cực tốt. Thời tiết tháng 5 mưa nắng thất thường dễ gây ra các loại bệnh vặt, nên việc ăn chè trong ngày này được nhiều người lựa chọn để phòng bệnh và cầu mong mang lại sức khoẻ.

Món chè kế tiếp không còn quá xa lạ với văn hoá 3 miền khi góp mặt trong hầu hết các dịp quan trọng như Tết Nguyên Đán, cúng 23 tháng Chạp đưa Ông Táo về Trời, Tết Hàn Thực, đó là chè trôi nước. Và Tết Đoan Ngọ mùng 5/5 Âm lịch cũng không ngoại lệ. Những viên chè tròn đầy, đẹp mắt, vị thơm ngọt ngào lại mang nhiều ý nghĩa nên được nhiều đời con cháu dùng để dâng cúng lên đất trời, tổ tiên cầu mong vạn sự may mắn.

Cuối cùng là một món chè đến từ xứ Huế mỗi dịp mùng 5 tháng 5. Chè kê là chè được nấu từ hạt kê đã loại bỏ lớp vỏ, ngâm rồi đun sôi đến khi nở mềm. Sau đó người ta thêm nước đường cùng chút gừng vào nồi hạt kê đang sôi là đã hoàn thành. Chè có kết cấu sền sệt, màu vàng ươm, thơm phức và ngọt ngào nữa.

Các hoạt động diễn ra vào ngày Tết Đoan Ngọ

Ngoài việc mâm cúng mùng 5/5 vào giờ Ngọ (12h trưa) trong ngày, thì người dân ở các vùng quê sẽ rủ nhau đi hái lá đem về nấu nước xông để làm sạch cơ thể và giải cảm. Theo dân gian, 12h ngày 5/5 là thời điểm có dương khí tốt nhất, mặt trời tỏa nắng tốt nhất trong năm. Một số nơi có tục treo ngải cứu để trừ tà.

Vì lẽ đó mà ở miền Bắc, món nếp cẩm, đặc biệt là rượu nếp cẩm không thể thiếu trong ngày này. Theo dân gian, rượu nếp được ăn ngay khi vừa ngủ dậy thì rất hiệu nghiệm. Rượu này chủ yếu là xôi còn nguyên hạt lên men, còn gọi là “cái”.

Người dân thường dùng các loại gạo nếp trắng và cẩm đồ thành xôi, để nguội rồi rắc men, ủ trong ba ngày. Thúng xôi ủ được đặt trên một chiếc chậu, hứng lấy nước rượu để khi ăn, trộn với cái, tạo vị ngọt, cay rất dễ chịu. Người già, con trẻ đều có thể ăn loại rượu này.

Còn ở các tỉnh miền Trung, món không thể thiếu trong mâm cơm cúng là bánh ú tro. Nhà nào cũng mua từ vài chục bánh trở lên ca. Ngoài ra, theo truyền thống của người miền Nam, thịt vịt cũng là một thứ không thể thiếu cho ngày lễ này. Tại TP.HCM, vịt quay, heo quay ngày này thường tăng hơn so với ngày thường.

Trong ngày này nhiều người còn tắm lá mùi để phòng bệnh và tẩy trừ sâu bọ. Còn tại vùng ven biển, người dân tắm biển vào đúng giờ Ngọ.

Ngoài ra nhiều người quan niệm rằng vào ngày này, khí dương mạnh nhất trong năm nên rất thích hợp để cúng cầu an. Cũng theo đó, các loại cây lá hái trong thời gian này được tin rằng có tác dụng tốt nhất nên các thầy thuốc thường lên núi tìm hái thuốc.

Ai bị cảm vào dịp tết này được khuyên nên dùng 5 loại lá bạch đàn, lá dâu tằm, xương rồng, ngũ trảo và sả nấu nước xông để bớt bệnh.

Một phong tục nữa vô cùng quen thuộc với người Việt đó là gia đình mua xương rồng để trong nhà nhằm tránh tà ma.

Tham khảo các món ăn thường gặp trong dịp Tết Đoan ngọ qua bài viết trên, mong rằng bạn sẽ tạo được mâm lễ ngon lành trong ngày này. Chúc bạn Tết Đoan Ngọ vui vẻ.

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.